Quảng Bình ưu tiên các dự án lớn

Thời gian qua, thị trường Bất động sản Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực,

Quảng Bình ưu tiên các dự án lớn

Quảng Bình ưu tiên các dự án lớn

Thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.

Trong đó có nhiều dự án lớn như Khu đô thị mới Phú Hải quy mô 1.205 tỉ đồng, Khu đô thị Nam Cầu dài quy mô 2.200 tỉ đồng, Khu đô thị Bảo Ninh 1 quy mô 1.160 tỉ đồng, Khu đô thị Bảo Ninh 2 quy mô 1.020 tỉ đồng, Khu đô thị Bảo Ninh 3 quy mô 920 tỉ đồng, Dự án Khu nhà ở thương mại phía Đông ngoài trung tâm hành chính huyện lỵ mới Quảng Trạch quy mô 1.735 tỉ đồng…

Về lâu dài, chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030 đã xác định chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 29,6m2 sàn/người.

Diện tích nhà ở tối thiểu 10m2 sàn/người và diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 3,9 triệu m2 sàn. Trong đó, nhà ở thương mại, khu đô thị khoảng 607.000m2; nhà ở xã hội khoảng 109.000m2; nhà ở riêng lẻ người dân tự xây dựng khoảng 3,2 triệu m2.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 33m2 sàn/người.

Diện tích nhà ở tối thiểu 12m2 sàn/người và diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 4,3 triệu m2 sàn. Trong đó, nhà ở thương mại, khu đô thị là 736.000m2; nhà ở xã hội là 132.000m2; nhà ở riêng lẻ người dân tự xây dựng là 3,4 triệu m2.

Đáng chú ý, Quảng Bình sẽ phát triển các loại hình nhà ở, gồm nhà ở thương mại gồm nhà chung cư, nhà ở liên kế, biệt thự. Trong đó, khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để phù hợp với thu nhập của một bộ phận người dân.

Quảng Bình ưu tiên các dự án lớn

Ưu tiên các dự án lớn

HĐND tỉnh Quảng Bình vừa thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030, với nhiều định hướng lớn trong việc phát triển đô thị, du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Quảng Bình đã xác định du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế và coi đây là khâu đột phá để tăng trường và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trụ cột thứ hai là phát triển công nghiệp, trong đó khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo.

Trụ cột thứ ba là phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái, ưu tiên ứng dụng nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh.

Trụ cột thứ tư là phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng xác định hai trung tâm động lực tăng trưởng tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và phát triển Khu Kinh tế (KKT) Hòn La trở thành KKT động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.

Chưa hết, Quảng Bình cũng sẽ phát triển ba trung tâm đô thị của tỉnh như, trung tâm đô thị thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận. Trong đó thành phố Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối thành phố Đồng Hới, gồm đô thị Quán Hàu, Hoàn Lão (bao gồm không gian mở rộng), Việt Trung và Dinh Mười.

Trung tâm đô thị phía bắc với hạt nhân là thị xã Ba Đồn gắn với huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, KKT Hòn La, Tiến Hóa.

Và cuối cùng là trung tâm đô thị phía nam với hạt nhân là thị trấn Kiến Giang (tương lai là thị xã), đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.

Về phương án tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, Quảng Bình phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 14 đô thị.

Trong đó có 1 đô thị loại II (thành phố Đồng Hới); 1 đô thị loại III (thị xã Ba Đồn), 2 đô thị loại IV (Hoàn Lão mở rộng; Kiến Giang mở rộng); 10 đô thị loại V gồm có 6 đô thị hiện có và 4 đô thị xây dựng mới (đô thị Hòn La, đô thị Quảng Phương, đô thị Dinh Mười, đô thị Tiến Hóa).

Tại tỉnh Quảng Bình cũng sẽ hình thành các khu dân cư tập trung quy mô vừa và lớn kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông cấp tỉnh, huyện và liên huyện; kết nối giao thông với các tuyến liên xã, liên vùng.

Về thu hút đầu tư, Quảng Bình xác định các dự án sẽ được xem xét ưu tiên đầu tư khi đáp ứng các tiêu chí có liên quan như, các dự án có quy mô vốn lớn, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh trong tương lai.

Nguồn: Lê Phước Bình

Bài viết liên quan