Giải pháp thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam phát triển
- Ngày đăng
Theo ông Đào Du Dương, Phó Trưởng Đại diện VCEA, các mục tiêu phát triển NLTT của Việt Nam nên đưa vào quy hoạch PDP8 một cách cụ thể đối với từng nguồn điện nhằm tạo tín hiệu về độ lớn của thị trường, thúc đẩy quá trình dịch chuyển chuổi logistic,… giúp NLTT dịch chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bàn về vấn đề phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam, ông Đào Du Dương, Phó Trưởng Đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP.HCM (VCEA) cho biết, hiện nhu cầu năng lượng Việt Nam đã tăng rất nhanh trong hơn 15 năm qua với mức tăng trưởng năng lượng thương mại khoảng 9,5%/năm và tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới.
Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam cũng đã tăng trung bình 11 kWh so với những năm trước đây, chưa kể, nhu cầu tiêu thụ điện ở các khu vực công nghiệp, xây dựng cũng có xu hướng ngày một tăng cao.
“Do điều kiện dịch COVID-19 xảy ra bất khả kháng và những tác động do chính sách ưu đãi đầu tư vào thị trường điện gió của một số nước như Trung Quốc và Mỹ sẽ kết thúc vào cuối năm nay, cũng như năng lực của các công ty sản xuất Turbine, pin năng lượng mặt trời, máy biến tần… sẽ tạo ra bối cảnh khan hiếm hàng hóa. Các chủ đầu tư Việt Nam hiện đang chịu áp lực phải mua tấm pin điện mặt trời và Turbine gió với giá cao, số tiền đặt cọc lớn mà chỉ có thể được đơn hàng sau hơn 1 năm”, ông Đào Du Dương thông tin.
Cũng theo Phó Trưởng Đại diện VCEA, các nhà thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) nước ngoài và nhà thầu phụ thuộc trong nước liên tục ép giá lên chủ đầu tư các dự án điện gió và điện năng lượng mặt trời vì các yếu tố khách quan trong xuất nhập khẩu, thiếu thiết bị xây lắp, phải thuê từ nước ngoài trong thời gian hạn hẹp, tập trung vào năm 2020 – 2021. Điều này khiến rất nhiều dự án bị đội vốn, tăng chi phí hàng triệu USD, vô cùng khó khăn để đáp ứng mục tiêu đưa vào vận hành theo kế hoạch.
8 giải pháp thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam
Để đảm bảo các mục tiêu quốc gia phát huy nội lực ứng phó với thị trường, ông Đào Du Dương cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp Sạch Việt Nam đã đề xuất 8 giải pháp để thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam phát triển thời gian tới.
Đầu tiên, để giảm thiểu chảy máu ngoại tệ, đề nghị Chính phủ giữ nguyên giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) và gia hạn thời gian thu tiền cho các dự án điện gió đến hết năm 2022. Tiếp theo công bố lộ trình chuyển dịch từ cơ chế FIT sang đấu thầu cạnh tranh. Quyết định này cần được công bố càng sớm càng tốt để mang lại hiệu quả tích cực cho điện gió của Việt Nam.
Thứ hai, đối với điện mặt trời, đề nghị công bố lộ trình áp dụng giá FIT và cơ chế đấu thầu cạnh tranh một các cụ thể. Lưu ý là cần làm rõ cơ quan tổ chức đấu thấu giá bán điện cần đáp ứng tính liên vùng và đảm bảo nối lưới ổn định toàn bộ công suất nhà máy.
Thứ ba, cần chuẩn hóa các tiêu chuẩn kỷ thuật trong an toàn lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống điện mặt trời áp mái. Không nên yêu cầu bổ sung quy hoạch nếu dự án điện mặt trời áp mái lớn hơn 1MWp mà chỉ nên yêu cầu bổ sung quy hoạch đối với các dự án phát lên lưới (bản điện lên lưới) lớn hơn 1MW. Chuẩn hóa các chứng chỉ hành nghề trong lắp đặt và bảo trì hệ thống điện áp mái.
Thứ tư, công bố mục tiêu phát triển NLTT, điện gió ngoài khơi cụ thể trong quy hoạch phát triển điện lực. Tạo động lực để Việt Nam trở thành quốc gia dẫn dắt thị trường điện gió ngoài khơi ở khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, thiết lập các pháp lý để cấp 4 loại giấy phép gồm: Giấy phép thuê đáy biển để khảo sát; giấy phép thuê mặt biển; giấy phép quyết đấu nối; giấy phép quyền đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; giấy phép truyền tải vào hệ thống điện quốc gia.
Thứ năm, Chính phủ nên hỗ trợ cơ chế kỹ thuật nhằm thiết lập chuỗi giá trị dịch vụ hậu cần logicstic, khu công nghiệp phụ trợ, các dịch vụ siêu trường siêu trọng trên bờ và ngoài khơi để tạo động lực phát triển kinh tế, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam theo nghị quyết số 55-NQ/TW.
Thứ sáu, đề nghị Bộ Công thương công bố toàn bộ danh sách tên các dự án điện NLTT, công suất lắp đặt, thông tin về điểm đấu nối và liên tục cập nhật tên chủ đầu tư lên trang wed Minh bạch (http://minhbach.moit.gov.vn) của Bộ.
Thứ bảy, các mục tiêu phát triển NLTT của Việt Nam nên đưa vào quy hoạch PDP8 (Quy hoạch phát triển điện quốc gia) một cách cụ thể đối với từng nguồn điện (điện mặt trời điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện sinh khối,…) để thực hiện quyết tâm của Chính phủ tạo tín hiệu về độ lớn của thị trường, thúc đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuổi logistic, các cơ sở hậu cần, các nhà máy sản xuất, công nghiệp phụ trợ cho NLTT dịch chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ tám, áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp đối với các dự án NLTT và từng bước hình thành thị trường mua bán chứng chỉ carbon (chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs)) cho các dự án NLTT. Tạo động lực cho việc thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác phát triển trong lĩnh vực năng lượng, củng cố sự gắn kết và tính hiệu quả các hỗ trợ quốc tế.
Nguồn: nhadautu.vn